Tại Việt Nam, cây sầu riêng đã phát triển từ lâu, được quan tâm và đầu tư phát triển trong thời gian gần đây, nếu được trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây sầu riêng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với các loại cây trồng khác.
Chăm sóc sầu riêng mới trồng là vấn đề được nhiều nhà vườn quan tâm. Năng suất của cây sầu riêng phụ thuộc rất lớn vào quá trình phát triển của cây ở giai đoạn kiến thiết.
Giai đoạn mới trồng, sầu riêng thường gặp các vấn đề như cây còi cọc chậm lớn; dễ bị các loại nấm bệnh, côn trùng gây hại.
Vậy chăm sóc sầu riêng mới trồng như thế nào để cây phát triển khỏe mạnh; sức đề kháng cao chống chịu với nấm bệnh tốt là vấn đề được các nhà vườn trồng mới chưa có kinh nghiệm rất quan tâm.
Nội dung chính
Những vấn đề cây sầu riêng mới trồng thường gặp
Cây còi cọc, chậm lớn, đọt cây không phát triển: Nguyên nhân là do trồng sai kỹ thuật (trồng quá sâu) khiến hệ rễ không phát triển được. Chất lượng cây giống kém, chăm sóc chưa đúng cách, đất trồng chưa phù hợp.
Vàng lá, rụng lá: là vấn đề thường gặp ở cây sầu riêng con mới trồng vào mùa khô. Nguyên nhân là do cây thiếu nước, đất trồng thiếu dinh dưỡng.
Côn trùng tấn công:
- Rầy xanh: Chích hút nhựa cây, khiến lá bị vàng, rụng, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây.
- Nhện đỏ: Thường gây hại vào mùa khô. Chúng chích hút nhựa cây, khiến lá bị vàng, rụng, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
- Sâu đục thân, cành: Làm hại rễ, thân cây, khiến cây bị chết.
Nấm bệnh tấn công:
- Bệnh đốm lá: Do nấm vi khuẩn gây hại khiến lá cây bị vàng, rụng, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
- Bệnh thán thư: Do nấm gây hại khiến lá, trái cây bị thối, ảnh hưởng đến năng suất của cây.
- Thối rễ: Do nấm bệnh trong đây gây hại, là một trong những nguyên nhân chính gây chết cây sầu riêng con mới trồng.
Yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây sầu riêng
-
Điều kiện khí hậu
Sầu riêng là loại cây phù hợp với khí hậu nhiệt đới, ưa nóng ẩm. Nhiệt độ trung bình để cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt là 24 – 30℃. Tuy nhiên nếu nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao đều có thể khiến cây sầu riêng con chậm phát triển.
Độ ẩm thích hợp trung bình từ 65 – 80% và lượng mưa hàng năm khoảng 1800 – 2000 mm. Nếu khô hạn kéo dài phải đảm bảo việc cung cấp nước cho cây nhưng tránh đọng nước ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ cây. Điều này có nghĩ là mùa khô phải được giữ ẩm còn mùa mưa thì phải ráo.
-
Điều kiện đất trồng
Cây sầu riêng thích hợp với đất có tầng canh tác dày, giàu chất hữu cơ, thoát nước tốt trong mùa mưa và có khả năng cung cấp nước trong mùa khô. Cây không phát triển ở các vùng đất nhiễm mặn, phèn, đất có tỷ lệ sét cao và độ phì nhiêu kém. Thích hợp nhất là đất thịt, đất phù sa, đất đỏ bazan,..
Độ pH phù hợp là 5,5 – 6,5 để cây phát triển tốt nhất và đồng thời hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora palmivora gây hại. Để nâng pH đất hiệu quả cần thực hiện bón vôi hằng năm.
Cách chăm sóc cây sầu riêng mới trồng phát triển tốt
Che phủ, giữ ẩm cho cây sầu riêng
Sầu riêng là loại cây ưa khí hậu nóng, độ ẩm không khí cao, không ưa khí hậu khô hanh. Nhiệt độ thích hợp cho cây sầu riêng phát triển nằm trong khoảng từ 24 – 30 độ C. Nên sầu riêng được trồng nhiều ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Sau trồng, bà con nên tiến hành che phủ, giữ ẩm cho đất trồng bằng các loại vật liệu như rơm rạ, cành cây khô, thân ngô, thân chuối… để hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất mặt và không bị rửa trôi khi tưới nước.
Trồng xen canh cây che nắng, chắn gió cho cây sầu riêng con
Sầu riêng là cây ưa sáng nên không trồng mật độ quá dày để cây đón được lượng ánh sáng đủ để sinh trưởng và phát triển.
Khoảng cách phù hợp:
– Trồng chuyên canh: 6mx6m hoặc 7mx7m.
– Trồng xen canh: 8mx8m, 9mx9m hoặc 10mx12m.
Tuy nhiên ở giai đoạn cây con còn bé, nhà vườn nên tiến hành trồng xen canh thêm các loại cây trồng khác để che nắng, chắn gió cho cây sầu riêng con hạn chế rung lay gốc. Có thể trồng cỏ vetiver, muồng vàng, chuối,… để vừa tạo nguồn sinh khối cắt tỉa che phủ tại chỗ; vừa che nắng chắn gió, cải tạo đất trồng. Vì đa số đất trồng sầu riêng được chuyển đổi từ các vườn trồng cây ăn trái lâu năm, cây công nghiệp nên đã bạc màu, thoái hóa, nghèo dinh dưỡng.
Tạo tán, tỉa cành cho cây sầu riêng mới trồng
Ngay từ đầu khi cây sầu riêng còn nhỏ, bà con nên tiến hành cắt tỉa đi các cành mọc sai vị trí, định hình khung ban đầu cho cây. Tuy nhiên ở giai đoạn vườn ươm không nên cắt tỉa cành quá nhiều để đảm bảo cây sầu riêng con không bị mất sức và vẫn phát triển tốt.
Các cành sâu bệnh, cành thừa, cành chậm phát triển, không có khả năng cho trái… thì bà con nên cắt bỏ để dinh dưỡng của cây tập trung nuôi các cành có khả năng cho trái, cành khỏe.
Việc cắt bỏ cành cũng giúp tán cây thông thoáng, tăng khả năng quang hợp, tổng hợp chất dinh dưỡng của cây, hạn chế sự phát triển của sâu bệnh hại.
Ngoài ra việc tỉa cành tạo tán còn giúp bộ khung của cây khỏe hơn, các cành được phân bố đều, cây không bị đổ ngã khi gặp gió lớn.
Khi tiến hành tỉa cành, tạo tán cho cây, trước hết bà con cần định hình tán của cây, đối với một cây sầu riêng khỏe mạnh thì sẽ có một thân cây chính mọc thẳng, có 5 – 6 cành cấp 1, tán mọc đều các hướng, cân đối.
Bà con cần cắt bỏ chồi mọc từ gốc ghép, các cành gần mặt đất (cắt cành cách mặt đất dưới 60 – 70 cm). Nếu có cành mọc cùng một vị trí thì bà con nên cắt bỏ, chỉ để lại cành khỏe nhất. các cành mọc đứng trong tán ốm yếu, sâu bệnh cũng cần được loại bỏ.
Khi cây cao được khoảng 7- 8m bà con nên cắt bỏ ngọn cây để giới hạn chiều cao của cây (cách ngọn khoảng 1,5m).
Sau khi cắt cành, bà con cần vệ sinh vết cắt bằng việc quét vôi, sơn, hoặc dùng băng keo, nilon quấn vết cắt lại để không bị nấm bệnh tấn công.
Tưới nước
Sau khi trồng bà con tiến hành tưới nước, giữ độ ẩm cho cây sau khi trồng. Đồng thời, bà con có thể sử dụng lá chuối, cây, lá dừa khô… để tiến hành che nắng cho cây con mới trồng, đồng thời bà con sử dụng rơm,, lá cây khô… để tủ gốc giữ ẩm cho cây.
Sau khi trồng cần tưới nước thường xuyên khi trời nắng hạn để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây khỏe mạnh, nhanh cho trái. Đặc biệt những tháng đầu tiên sau khi trồng nên tưới 1 lần/ngày, nhằm đảm bảo chu kỳ tưới 3 lần/tuần (lượng nước tưới 100-150 lít/cây/lần).
Điểm yếu của sầu riêng không ưa nước đọng, do đó trong kỹ thuật chăm sóc cây con, bà con cần lưu ý tạo rãnh thoát nước vào mùa mưa. Điều này tránh gây thối rễ và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.
Còn vào mùa khô, bà con cần lưu ý thực hiện tấp tủ quanh gốc, tưới nước đều đặn để giữ ẩm. Tuyệt đối tránh để cây bị úng ngập hoặc khô hạn quá mức vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây con.
Bón phân
Sau khi trồng thấy cây ra tược non đầu tiên mới tiến hành bón phân. Lượng phân bón nên chia nhỏ làm nhiều lần bón, năm đầu tiên nên bón 6-9 lần/năm. Phân bón có thể pha vào nước để tưới gốc hoặc xới nhẹ xung quanh gốc để bón phân và tưới nước.
Trong vòng 45 ngày đầu, không bón phân bón tổng hợp (NPK). Chỉ bón phân hữu cơ để kích thích bộ rễ phát triển.
Sau 45 ngày, tiến hành bón phân NPK định kỳ. 1 cơi lá sầu riêng thường kéo dài 30-45 ngày. 1 cơi cho cây ăn 3 lần. Giai đoạn đầu bón các loại phân đạm cao để nhanh mở lá. Cuối cơi nên bón loại thành phần lân cao để nhanh già lá.
Một số lưu ý khi bón phân cho cây sầu riêng:
- Thời điểm tốt nhất để bón phân là vào mùa xuân hoặc mùa thu, lượng phân bón tùy thuộc vào kích thước của cây và độ già của cây.
- Nếu cây còn non và mới trồng, chỉ nên bón một lượng nhỏ phân bón. Khi cây lớn lên và phát triển có thể tăng lượng phân bón theo từng giai đoạn.
- Nên bón xung quanh gốc cây và tránh bón lên trực tiếp lên lá hoặc trái cây, giúp giữ ẩm cho đất và tránh làm hỏng lá hoặc trái cây
Kích thích sầu riêng con ra rễ mới
Sầu riêng con khi vừa được chuyển từ bầu đất xuống vườn trồng cần thời gian để thích ứng với môi trường mới. Khả năng hấp thụ và tìm kiếm dinh dưỡng của rễ vẫn còn hạn chế. Vì vậy để sầu riêng con nhanh bén rễ, bà con nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để kích thích cây ra rễ non.
Việc kích rễ được tiến hành kịp thời sẽ giúp cho sầu riêng con nhanh chóng thích nghi; hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu nuôi cây, đi đọt.
Phòng trừ côn trùng, nấm bệnh
Trong kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng, phòng trị bệnh rất quan trọng. Cây con giai đoạn này thường dễ mắc sâu, bệnh hại. Nếu không phòng trị kịp thời và áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc sầu riêng con hiệu quả và triệt để, bệnh hại sẽ dễ lây lan và làm chết cây.
Do đó trong kỹ thuật chăm sóc sầu riêng con, bà con cần lưu ý nhận diện và phòng trị các bệnh sau:
Sâu đục thân
Sâu đục thân là ấu trùng non của bọ xén tóc. Chúng thường sống trong các kẽ của thân cây và đục phá thân, cành cây sầu riêng. Với loại sâu hại này, bà con có thể áp dụng kỹ thuật chăm sóc sầu riêng con như sau:
- Phòng bệnh: Xén tóc có thể bẫy bằng đèn hoặc dùng các loài thiên địch. Kiểm tra cây thường xuyên để phát hiện xem cây có bị sâu đục thân hay không.
- Trị bệnh: Nếu phát hiện cây bị sâu đục thân, thực hiện bơm thuốc trừ sâu vào các lỗ bị đục để tiêu diệt ấu trùng bên trong.
Phòng trừ rầy xanh
Trong giai đoạn cây đi đọt, loại côn trùng gây hại phổ biến trên sầu riêng đó là rầy xanh. Chúng chích hút khiến teo đọt, rụng lá hàng loạt. Vì vậy nhà vườn cần phun phòng rầy xanh ngay khi cây bắt đầu ra mũi giáo.
Bệnh cháy lá
Do nấm Rhizoctonia solani Kuhn gây ra trên cây sầu riêng mới trồng những năm đầu, thường xuất hiện vào mùa mưa. Bệnh làm sầu riêng bị khô lá nên không thể quang hợp, trường hợp nặng có thể gây chết đọt.
Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng con và phòng trị bệnh như sau:
- Phòng bệnh: Bón phân đầy đủ giúp cây tăng sức đề kháng.
- Trị bệnh: Sử dụng các thuốc gốc đồng (Cu2+) để trị bệnh cho cây theo liều lượng được hướng dẫn trên bao bì.
Bệnh đốm lá
Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestricpv.cv gây ra trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao. Khi cây mắc bệnh, lá non xuất hiện những đốm bệnh màu vàng sáng ở cả hai mặt lá. Bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây sầu riêng.
Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng con và phòng trị bệnh đốm lá như sau:
- Phòng bệnh: Giữ cho vườn sầu riêng thông thoáng, tránh để cây con bị ẩm ướt, ngập úng vào mùa mưa.
- Trị bệnh: Sử dụng thuốc chứa hoạt chất là các gốc Đồng (Cu2+) để sát khuẩn và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Bệnh thối rễ
Do nấm Phytophthora palmivora có sẵn trong đất gây ra, nấm tấn công vào bộ rễ của cây sầu riêng con khiến rễ bị thối nhũn, không thể hút chất dinh dưỡng. Bệnh thường có biểu hiện từ rễ nên rất khó phát hiện, vì vậy cần phải có các biện pháp phòng tránh bệnh và kỹ thuật chăm sóc sầu riêng con đúng ngay từ đầu.
- Phòng bệnh: Cày xới, phơi đất kỹ càng trước khi trồng, bón vôi hằng năm để tiêu diệt mầm bệnh. Thiết kế hệ thống thoát nước hợp lý, tránh để vườn sầu riêng bị ngập úng vào mùa mưa. Bổ sung nấm đối kháng Trichoderma thường xuyên để ức chế nấm bệnh hiệu quả. Tăng cường độ mùn và vi sinh vật có lợi trong đất bằng cách bón phân trùn quế, phân chuồng đã ủ hoai và qua xử lý, giúp kích thích bộ rễ phát triển khỏe mạnh, chống chịu nấm bệnh tốt.
Bệnh thán thư
Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, bệnh xuất hiện chủ yếu vào những ngày mưa nhiều, độ ẩm cao. Biểu hiện bệnh là lá cây sầu riêng con có những đốm màu nâu, lan từ mép lá vào trong, gây héo và rụng lá, trường hợp nặng có thể gây chết cây.
Với loại bệnh này, bà con có thể áp dụng kỹ thuật chăm sóc sầu riêng con và phòng trị bằng thuốc có chứa đồng nano để sát khuẩn và diệt nấm. Tăng cường bổ sung phân bón hữu cơ để ức chế nấm bệnh, giúp cây tăng đề kháng, phòng và trị bệnh hiệu quả.
Kết luận
Chăm sóc sầu riêng mới trồng đúng cách sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh, ít bệnh, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất.
Hiện nay tình trạng sầu riêng con mới trồng bị còi cọc, vàng lá, sâu bệnh nhiều, cây kém phát triển, không đi đọt… đang là vấn đề nan giải của nhiều nhà vườn mới bắt đầu trồng sầu riêng.
Bài viết trên Việt Gia Minh chia sẻ cho bà con về kỹ thuật và những lưu ý khi chăm sóc cho cây sầu riêng con mới trồng, hy vọng sẽ mang lại những kiến thức bổ ích cho bà con nhà vườn. Chúc bà con có một mùa vụ thu hoạch sầu riêng thật bội thu.